Điều kiện và thủ tục thành lập Sàn giao dịch Bất Động Sản

Kinh doanh bất động sản là một hoạt động đầu tư tương đối phổ biến và hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo khái niệm nêu tại Khoản 1, Điều 3 của Luật Kinh doanh bất động sản: “Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi”. 

Đồng thời, tại Khoản 6, Điều 3 của Luật Kinh doanh bất động sản cũng đưa ra khái niệm về sàn giao dịch bất động sản là “nơi diễn ra các giao dịch về mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản”.

Nội dung bài viết này sẽ nêu điều kiện, thủ tục để thành lập sàn giao dịch bất động sản theo quy định của pháp luật Việt Nam.

I. Điều kiện thành lập sàn giao dịch bất động sản

Theo quy định nêu tại Điều 69, Luật Kinh doanh bất động sản và Khoản 1, Điều 24, Thông tư 11/2015/TT-BXD, tổ chức, cá nhân thành lập sàn giao dịch bất động sản phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Tổ chức, cá nhân thành lập sàn giao dịch bất động sản phải thành lập doanh nghiệp/công ty;

b) Sàn giao dịch bất động sản phải có ít nhất 02 người tham gia các khóa đào tạo về hành nghề, môi giới, quản lý bất động sản và được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản;

c) Người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản;

d) Sàn giao dịch bất động sản phải có quy chế hoạt động, tên, địa chỉ giao dịch ổn định trên 12 tháng;

đ) Sàn giao dịch bất động sản phải có diện tích tối thiểu là 50m2 và trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động.

II. Thủ tục thành lập sàn bất động sản

Trước khi sàn giao dịch bất động sản hoạt động, doanh nghiệp quản lý sàn phải gửi hồ sơ về Sở Xây dựng địa phương để quản lý, hồ sơ bao gồm:

a) Đăng ký kinh doanh hoặc giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp, thông báo mẫu dấu, thông báo cơ quan quản lý thuế (bản sao có chứng thực);

b) Quy chế hoạt động của sàn giao dịch bất động sản;

c) Danh sách và bản sao có chứng thực chứng chỉ hành nghề môi giới, giấy tờ chứng thực cá nhân của tất cả các nhân viên môi giới bất động sản;

d) Bản sao có chứng thực chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, giấy tờ chứng thực cá nhân của người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản;

đ) Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận hoàn thành khóa học về quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản của người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản;

e) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh về địa điểm và diện tích của sàn giao dịch bất động sản (hợp đồng thuê nhà/văn phòng/địa điểm kinh doanh;

g) Bản sao có chứng thực các giấy tờ về thành lập sàn giao dịch bất động sản (bao gồm: Quyết định thành lập sàn giao dịch bất động sản; Quyết định bổ nhiệm người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản).

III. Quy trình phê duyệt

Sở Xây dựng địa phương là đơn vị có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và đưa thông tin của sàn giao dịch bất động sản lên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng. Đồng thời báo cáo về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng để thống nhất quản lý và đưa thông tin của sàn lên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản.

Thông tin của sàn giao dịch bất động sản gồm: Tên sàn giao dịch bất động sản; tên doanh nghiệp thành lập sàn; họ tên của người quản lý điều hành sàn; địa chỉ và số điện thoại liên hệ của sàn giao dịch bất động sản. Khi có thay đổi thông tin, Sàn giao dịch bất động sản phải báo cáo về Sở Xây dựng để điều chỉnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *